Bảo trì phương tiện đi lại Thay rô-to và má phanh

Vậy, có phải bạn nghe thấy tiếng cọ xát hay tiếng ken két ở phanh xe không? Bạn biết nguyên nhân, kể cả khi bạn không có thói quen tự sửa xe của mình: Đã đến lúc cần phải thay má phanh.

Bạn có thể tin tưởng ở tiệm sửa xe. Thay má phanh sẽ tốn khoảng trên dưới $150 (tùy vào xe của bạn). Không tệ, nhưng không phải là lý tưởng. Tình hình trở nên tệ hơn khi người thợ sửa xe nói thêm một từ đáng sợ rô-to. Cái này có lẽ sẽ ngốn của bạn thêm vài trăm đô-la.

Tin tốt: Bạn có thể tự sửa, kể cả khi bạn chỉ mới vọc vạch học bảo trì ô tô. Tất cả những gì bạn cần là những dụng cụ chuẩn và một hướng dẫn nho nhỏ.

Dưới đây là hướng dẫn toàn bộ quy trình sửa chữa:

1. Phải có dụng cụ chuẩn.

Để thay phanh, bạn sẽ cần:

  • một cờ lê vặn để tháo lốp xe
  • một con đội hình chai hoặc kích nâng gầm xe
  • con đội chết
  • một cờ lê lỗ sáu cạnh để dùng cho bu-lông của bộ kẹp phanh (tùy thuộc vào xe)
  • một cờ lê mô-men xoắn
  • một kẹp chữ C dùng để siết pít-tông của bộ kẹp phanh
  • một khúc gỗ dùng để đặt lên đồ chặn bánh xe trong khi siết
  • dây thép dùng để buộc các chi tiết của bộ kẹp phanh trong khi thay má phanh và rô-to

2. Trước khi nâng xe bằng kích, chặn hết tất cả bánh xe mà bạn không sửa.

Trước khi bắt đầu, phải chắc chắn rằng xe được đỗ trên mặt đất bằng phẳng và đã cài phanh tay/phanh khẩn cấp. Sau đó, chặn hết các bánh xe mà bạn không sửa. Bạn có thể ra ngoài và mua cục chặn bánh xe ở tiệm bán phụ tùng xe ô tô tại địa phương, nhưng một khúc gỗ hoặc vật liệu gì rắn chắc ở nhà xe cũng có thể sử dụng được. Khi bánh xe đã được chặn, nâng xe lên bằng kích gầm xe đủ cao để giải phóng phần lớn trọng lượng cho cơ cấu lốp xe.

3. Nới lỏng các đai ốc bánh xe ra bằng dụng cụ tháo lốp, và đỡ bánh xe bằng con đội chết.

Sử dụng cờ lê vặn để nới lỏng các đai ốc. Khi các đai ốc đã được nới lỏng, nâng xe lên đến khi bánh xe không còn chạm mặt đất nữa. Đến đây, đỡ trục bánh xe bằng con đội chết như một biện pháp tăng cường an toàn cũng là một ý tưởng hay.

4. Khi bạn cảm thấy chiếc xe không còn di chuyển nữa thì hãy tháo lốp xe ra, sau đó nới lỏng các ghim trượt/bu-lông của bộ kẹp phanh ra.

Nếu bạn sẽ thay bộ phanh nằm ở phía trước của xe thì tốt hơn là hãy xoay vô-lăng để bộ kẹp phanh quay ra phía ngoài xe. Làm như vậy thì bạn sẽ dễ dàng tiếp cận bu-lông của bộ kẹp phanh hơn. Hãy nới lỏng bu-lông trên và dưới đang giữ bộ kẹp phanh với ngỗng trục sao cho không rút hết các chi tiết ra hẳn lúc này.

5. Giữ chặt bộ kẹp phanh, và sau đó tháo rời hoàn toàn bu-lông ra.

Trước khi bạn rút bu-lông của bộ kẹp phanh ra hoàn toàn, hãy chắc chắn là đã buộc các chi tiết của bộ kẹp phanh bằng dây điện, dây thừng, hoặc thứ gì tương tự để bộ kẹp phanh không bị rơi. Nếu bộ kẹp phanh bị rơi, bạn có nguy cơ làm hỏng mạch phanh. Sau khi bạn đã rút bu-lông ra hoàn toàn và tháo bộ kẹp phanh ra khỏi trục bánh xe, hãy treo cẩn thận bộ kẹp phanh lên bất kỳ chỗ nào có thể của bánh xe.

6. Kéo rô-to về phía bạn để tháo ra khỏi trục bánh xe.

Giờ thì bộ kẹp phanh đã không còn cản đường, bạn có thể tháo rô-to ra. Bước đầu tiên này có thể là một thử thách. Nếu rô-to không chuyển dịch, có thể bạn cần đèn khò để làm nóng rô-to, khiến rô-to nở rộng và thoát khỏi gỉ sét hay ăn mòn. Để tránh tình huống này xảy ra lần nữa, bạn nên sử dụng keo chống kẹt dạng thỏi LOCTITE® LB 8070™ Heavy Duty Anti-Seize Stick trên đĩa hãm của rô-to. Keo chống kẹt màu đen rất đồng màu, vì thế nhìn hình ảnh có thể khó nhận ra. Bạn sẽ muốn nhỏ keo vào giữa tất cả các đinh tán và may-ơ để giảm bớt gỉ sét. Làm như vậy lần sau tháo rô-to sẽ dễ dàng hơn.

7. Đẩy trượt rô-to mới trên các đinh tán.

Khi bạn đẩy rô-to mới, tốt nhất là bạn nên bắt vít các đai ốc của bánh xe trở lại bằng tay để giữ rô-to đúng vị trí.

8. Hãy lắp lại giá đỡ bộ kẹp phanh và vặn bu-lông bằng mô-men xoắn theo thông số kỹ thuật của hướng dẫn sử dụng.

Trước khi vặn bu-lông theo thông số kỹ thuật, bạn nên thoa một chút keo khóa ren xanh dương LOCTITE® 243™ Blue Threadlocker lên từng chiếc. Bánh xe phải tiếp xúc với rất nhiều rung động, vì vậy, keo khóa ren đảm bảo rằng những bu-lông đó sẽ không bị bật trở lại về phía bạn.

9. Hãy tháo má phanh cũ và lắp các chốt của bộ kẹp phanh mới đã được thoa dầu mỡ hoặc keo chống kẹt.

Giờ thì bạn có thể tháo má phanh cũ ra và các chốt má phanh nằm ở mặt trước của bộ kẹp phanh. Các chốt má phanh nằm ở điểm cao nhất và thấp nhất nơi rô-to tiếp xúc với bộ kẹp phanh. Bạn có thể dùng tuốc-nơ-vít đầu dẹt hoặc thứ gì tương tự để tháo các chốt má phanh ra. Trước khi ráp lại các chốt của bộ kẹp phanh mới, bạn nên phủ một lớp mỡ phanh hoặc keo chống kẹt lên bộ phận tiếp xúc với má phanh.

10. Hãy kiểm tra xem liệu bạn có cần siết pít-tông của bộ kẹp phanh không.

Có thể bạn sẽ nhận ra rằng, pít-tông của bộ kẹp phanh cần được siết để thích ứng với má phanh mới, dày hơn. Để thực hiện, trước hết hãy giảm áp lực trong bình chứa xy-lanh phanh bằng cách mở nắp bình ra. Làm như vậy sẽ giúp điều tiết mức độ dâng lên của dầu do sức nén của pít-tông bộ kẹp phanh. Dầu phanh có thể làm hư hại đến các chi tiết và sơn, vì thế nên lau sạch ngay nếu dầu bị tràn. Nhìn chung thì vấn đề không có gì nghiêm trọng, nhưng tốt hơn vẫn nên đề phòng. Nếu dầu phanh bị hao hụt đôi chút, bạn nên đổ thêm dầu đến vạch báo đầy, nhưng không đổ trước khi tất cả các pít-tông đã được nén lại.

Để bắt đầu nén, đặt một khúc gỗ trên pít-tông của bộ kẹp phanh và siết chặt bằng vòng siết hình chữ  C để đẩy pít-tông vào. Nén pít-tông của bộ kẹp phanh đến khi má phanh mới vừa khít vào vị trí.

11. Lắp má phanh mới.

Cũng giống như các chốt của bộ kẹp phanh, bạn nên phủ một lớp dầu mỡ hoặc keo chống kẹt lên mặt sau của má phanh, phải chắc chắn là không để dầu mỡ hay keo tràn lên mặt trước của má phanh. Làm như vậy sẽ tránh được gỉ sét và giữ cho má phanh trông đẹp mắt. Sau đó, bạn nên lắp má phanh mới vào mỗi bên của rô-to.

Khi đã lắp xong, bạn có thể đóng bộ kẹp phanh lại và vặn chặt những bu-lông cuối cùng theo thông số kỹ thuật.

12. Gắn lại lốp xe và vặn tất cả các đai ốc vào theo thông số kỹ thuật.

Giờ thì phanh đã được thay thế, bạn có thể ráp lại lốp xe để hoàn tất quy trình sửa chữa.

13. Hãy rút con đội ra, hạ thấp xe xuống và lặp lại quá trình này ở phía bên kia của chiếc xe.

Phải nhớ một điều rất quan trọng rằng, bạn luôn phải thay phanh của cả phía tài xế và phía hành khách cùng một lúc. Có thể bạn không cần phải thay phanh ở cả phía trước và đằng sau xe cùng một lúc.

Bảo trì và thay má phanh thường xuyên là một biện pháp an toàn vô cùng quan trọng. Tùy thuộc vào khu vực bạn lái xe (lái trong thành phố có xu hướng má phanh bị mài mòn nhanh hơn), thường thì má phanh có tuổi thọ từ 30.000 – 35.000 dặm. Với quy trình sửa chữa cụ thể như vậy, thì vấn đề không còn là "nếu" nữa mà là "khi nào". May mắn là bạn có thể tránh được một ngày dài tại cửa hàng cơ khí và tờ hóa đơn sửa chữa dài dằng dặc nhờ tự thân vận động.